3 cách trị mụn ẩn dưới da tại nhà
Mụn nhọt hình thành là do dầu, tế bào da chết và vi khuẩn gây tắc nghẽn lỗ chân lông gây nên. Đôi khi cũng có thể tạo thành các dạng mụn đầu đen hoặc mụn đầu trắng mà chúng ta hay biết đến, nhưng ở hầu hết các trường hợp khác, mụn nhọt có thể phát triển ở dạng các nốt mẫn đỏ, và cứng dưới da. Bằng cách chăm sóc thích hợp, bạn vẫn có thể ngăn ngừa tình trạng mụn nhọt dưới da trở nên tồi tệ hơn và giúp loại bỏ được mụn hoàn toàn trên da.
Trình tự 1: Giữ da mụn sạch sẽ
Bước 1: Rửa sạch da
Điều này sẽ giúp loại bỏ dầu thừa, các tế bào da chết, ngăn chặn tình trạng kích ứng mụn và hạn chế tăng sinh thêm các vi khuẩn gây hại cho da. Các nốt mụn nhọt có thể gây đau, vì vậy nên dùng khăn mềm để lau nhẹ với nước ấm.
Rửa ít nhất hai lần một ngày. Không chà xát mạnh. Nang lông đã bị căng ra do viêm nhiễm mụn dưới da, vì vậy việc chà xát có thể làm vỡ và tổn thương gây kích ứng mụn nhiều hơn.
Nếu bạn sử dụng sản phẩm rửa mặt, hãy chọn loại sản phẩm dịu nhẹ, không chứa dầu, gốc nước. Vì nếu dùng dầu rửa mặt có thể sẽ để lại một lớp màng trên da góp phần làm tắc nghẽn lỗ chân lông và gây mụn thêm trên da.
Nếu tóc bạn hay chạm vào các vùng da đang bị nổi mụn trên mặt, hãy dùng kẹp tóc, để cột tóc đuôi ngựa hoặc bím tóc lại để giữ tóc không bị bết bám vào da mặt. Tóc của bạn có thể truyền dầu sang da và khiến các vùng da mụn trở nên tồi tệ hơn. Nếu bạn không thể giữ tóc cách xa các vùng da mặt đang bị mụn, hãy gội đầu thường xuyên để hạn chế dầu trên tóc bám vào da hơn.
Bước 2: Không chạm cạy hoặc nặn mụn
Do mụn nhọt nằm bên dưới da không tiếp xúc trực tiếp với không khí và được bao bọc bởi lớp da trên cùng. Nên nếu bạn chạm cạy mạnh hoặc nặn mụn, vùng da phía trên sẽ bị vỡ ra. Điều này tạo ra các vết thương hở trên mụn, dễ gây nhiễm trùng và để lại sẹo.
Bước 3: Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời để không gây kích ứng mụn trên da
Ánh nắng mặt trời có thể gây bùng phát mụn ở một số người. Nếu bạn dễ nổi mụn khi đi nắng, hãy bảo vệ da bằng kem chống nắng không chứa dầu hoặc kem dưỡng ẩm có chứa chất chống nắng. Ngoài ra, ánh nắng mặt trời có thể gây cháy da, lão hóa da, và làm tăng nguy cơ mắc ung thư da.
Bảo vệ da còn đặc biệt quan trọng hơn khi tiếp xúc với cường độ ánh sáng mặt trời mạnh. Bao gồm những khu vực gần đường xích đạo, tại bãi biển, nơi ánh nắng cũng phản chiếu dưới mặt nước, và trong những tháng oi bức của mùa hè. Ngay cả khi trời nhiều mây, tia UV vẫn xuyên qua được lớp mây nên việc bảo vệ kĩ làn da vẫn là điều cần thiết.
Nếu bạn lo lắng kem chống nắng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng mụn trên da, bạn có thể đội mũ để che chắn, tuy nhiên vùng da cổ và mặt có thể sẽ không được che chắn bảo vệ hoàn toàn như mong muốn.
Bước 4: Không makeup hoặc makeup chỉ với các sản phẩm không chứa dầu
Lớp sản phẩm makeup cũng có thể hòa trộn với lớp dầu nhờn trên da kết quả là gây tắc nghẽn lỗ chân lông. Cách an toàn nhất là không makeup lên da mụn. Nhưng nếu cần thiết phải makeup, hãy sử dụng các sản phẩm makeup có gắn nhãn “noncomedogenic”, có nghĩa là các sản phẩm này sẽ không chứa các thành phần gây bịt tắc lỗ chân lông của bạn.
Bạn có thể lựa chọn các sản phẩm makeup gốc nước hoặc dạng khoáng để sử dụng. Các sản phẩm kem nền dạng sáp, có chứa dầu nhiều khả năng sẽ khiến vi khuẩn và bụi bẩn bám chặt vào mụn. Sau đó, khi vi khuẩn sinh sôi phát triển, áp lực sẽ tăng dần bên trong mụn nhọt và có nhiều khả năng hiển thị ra dưới dạng mụn đầu trắng hoặc mụn đầu đen trên da.
Không để lớp makeup trên da khi ngủ. Hãy làm sạch da trước khi ngủ để da có cơ hội được thở và thư giãn. Điều này sẽ ngăn chặn vi khuẩn tích tụ gây kích ứng và tăng sinh thêm mụn trên da.
Bước 5: Tránh để quần áo tập luyện cọ xát vào vùng da mụn khi tập thể dục
Điều này rất quan trọng vì vùng da mụn sẽ dễ bị kéo căng ra và gây sưng tấy. Việc cọ xát mạnh lên các vùng da mụn có thể tạo ra các vết thương hở trên da, đồng thời mồ hôi thấm đẫm trên quần áo tập sẽ chà xát đẩy lớp dầu nhờn trên da vào sâu vào lỗ chân lông, làm tăng khả năng các nốt mụn bị nhiễm trùng nặng hơn.
Mặc quần áo rộng rãi được làm từ vải sợi tự nhiên sẽ giúp da dễ thở hơn. Điều này sẽ ngăn không cho mồ hôi ướt và thấm vào da. Bạn cùng có thể mặc quần áo làm bằng chất liệu có khả năng hút ẩm khỏi da và giúp bay hơi nhanh hơn.
Các nhãn trên quần áo sẽ cho bạn biết liệu quần áo bạn đang sử dụng có phải làm từ vật liệu hút ẩm hay không. Tắm sau khi tập thể dục. Điều này sẽ loại bỏ dầu thừa và tế bào chết trên da.
Trình tự 2: Sử dụng thuốc điều trị không kê đơn
Bước 1: Sử dụng các loại thuốc điều trị không kê đơn
Những sản phẩm này sẽ giúp tẩy da chết, làm khô dầu và giảm lượng vi khuẩn trên da của bạn. Đọc và làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất và không áp dụng nhiều hơn khuyến nghị. Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn đang mang thai, cho con bú hoặc điều trị cho trẻ nhỏ.
Các sản phẩm có chứa các thành phần sau thường có hiệu quả trong việc điều trị mụn: 1/ Benzoyl peroxide (thường là phương pháp điều trị không kê đơn chống lại mụn hiệu quả). 2/ Axit salicylic. 3/ Lưu huỳnh. 4/ Resorcinol.
Bước 2: Thử nghiệm với các loại thuốc điều trị và chất bổ sung thay thế
Nói chuyện với bác sĩ trước khi sử dụng các loại thuốc này, đặc biệt nếu bạn đang mang thai, cho con bú hoặc điều trị cho trẻ em. Mặc dù đây là các loại thuốc không kê đơn, nhưng chúng có thể tương tác với các loại thuốc khác mà bạn có thể đang dùng.
Ngoài ra, liều lượng không được quy định chặt chẽ như đối với các loại thuốc kê đơn khác và không phải tất cả các sản phẩm đều đã được nghiên cứu kỹ lưỡng. Bạn có thể sử dụng: 1/ Các loại lotion dưỡng da có chứa kẽm. 2/ Các loại lotion dưỡng da có chứa 2% chiết xuất trà xanh. 3/ Gel bôi chứa 50% lô hội. 4/ Men bia, chủng CBS 5926. Đây là một loại thuốc uống.
Bước 3: Nghiền aspirin thành bột để tạo hỗn hợp điều trị tại nhà
Aspirin có chứa axit salicylic là một thành phần hoạt tính trị mụn, tương tự như nhiều loại thuốc điều trị mụn khác. Nghiền một viên aspirin thành bột và thêm một hoặc hai giọt nước. Xoa hỗn hợp dung dịch lên các nốt mụn. Rửa sạch lại lớp bột thừa sau khi đã áp dụng điều trị xong trên da.
Trình tự 3: Sử dụng các biện pháp tự nhiên và thay đổi lối sống
Bước 1: Chườm đá lạnh lên nốt mụn
Hơi lạnh sẽ làm giảm sưng tấy và ít bị vỡ mụn hơn. Đồng thời cũng giúp thu nhỏ, giảm đỏ và làm mờ các nốt mụn trên da. Bạn có thể dùng túi đá giữ lạnh hoặc gói rau đông lạnh bọc trong khăn sạch. Chườm lạnh trong năm phút và sau đó để da ấm lên. Bạn sẽ nhận thấy được các cải thiện trên da.
Bước 2: Sử dụng tinh dầu tràm trà để giảm vi khuẩn trên da
Điều này sẽ có lợi trong việc giúp chữa lành các nốt mụn đã bị vỡ trên da. Tinh dầu tràm trà phải được pha loãng trước khi có thể chấm lên da. Đối với mụn trứng cá, hãy pha loãng với nước để tạo hỗn hợp chứa 5% tinh dầu tràm trà và 95% là nước.
Thoa hỗn hợp lên các vùng da mụn bằng một chiếc khăn sạch, cẩn thận để không bị dính vào mắt, mũi hoặc miệng của bạn. Sau 15-20 phút, rửa sạch da lại. Tinh dầu tràm trà không tốt cho những người có làn da nhạy cảm. Nó có thể gây ra viêm da tiếp xúc (contact dermatitis) và bệnh trứng cá đỏ (rosacea).
Bước 3: Hãy thử một phương pháp điều trị tại nhà có tính axit
Tương tự như tinh dầu tràm trà, các chất axit tự nhiên này sẽ giúp diệt vi khuẩn trong trường hợp các nốt mụn nhọt đã bị vỡ trên da. Giúp da khô ráo và ngăn ngừa sự tích tụ dầu trên da. Có một số lựa chọn điều trị có sẵn tại nhà bạn có thể sử dụng: nước cốt chanh vàng, nước cốt chanh xanh hoặc giấm táo.
Pha loãng dung dịch theo tỷ lệ 1:3 và thoa lên các vùng da mụn để làm sạch. Đừng để dung dịch dính vào mũi hoặc mắt của bạn. Nếu bị dính vào mắt, bạn sẽ cảm thấy đau - hãy rửa sạch mắt bằng nước ngay lập tức.
Bước 4: Không sử dụng tẩy tế bào chết
Sử dụng tẩy tế bào chết hoặc các chất tác dụng mạnh trên da khác có thể khiến tình trạng mụn trở nên tồi tệ hơn. Những chất sau đây không được khuyến khích sử dụng: 1/ Chất tẩy tế bào chết. 2/ Chất làm se da. 3/ Các chất có cồn gây khô da.
Bước 5: Dùng mặt nạ dưa chuột để chống lại nhiễm trùng trên da
Da khỏe hơn khi hấp thụ kali, vitamin A, C và E từ mặt nạ dưa chuột. Da càng khỏe mạnh, sẽ càng có tác dụng chống lại tình trạng nhiễm trùng trong các lỗ chân lông tốt hơn. Dùng nửa quả dưa chuốt gọt vỏ và thái thành các lát nhỏ.
Bạn có thể để nguyên hạt. Đắp các lát dưa chuột lên các nốt mụn và để ít nhất 15 phút cho các chất trong dưa chuột thấm vào da. Sau đó rửa da sạch lại bằng nước sạch. Nó có thể dính trên da vì vậy hãy tránh để các vết bẩn hoặc bụi bám trên các lát dưa chuột khi bạn đắp mặt nạ.
Bước 6: Kiểm soát căng thẳng
Căng thẳng hay stress gây ra những thay đổi về sinh lý và nội tiết tố trong cơ thể, bao gồm tình trạng tăng tiết mồ hôi. Kiểm soát stress có thể giúp ngăn ngừa mụn nhọt dưới da bùng phát thành mụn đầu trắng và mụn đầu đen.
Hãy thử tập thể dục vài lần một tuần. Khi bạn tập thể dục, cơ thể sẽ giải phóng endorphin, là một chất giảm đau tự nhiên. Chúng giúp giảm stress, cải thiện tâm trạng và giúp bạn thư giãn hơn. Trung tâm y tế Mayo Clinic khuyến nghị nên tập thể dục ít nhất 75 phút mỗi tuần. Có thể là đi bộ, đạp xe đạp, đi bộ đường dài, chơi thể thao hoặc làm những công việc vận động mạnh như cào lá hoặc xúc tuyết.
Thử các kỹ thuật thư giãn. Các phương pháp khác nhau có hiệu quả với những người khác nhau; các phương pháp phổ biến bao gồm: thiền, yoga, thái cực quyền, hình dung các hình ảnh êm dịu, thư giãn dần dần các nhóm cơ khác nhau trên cơ thể hoặc nghe nhạc nhẹ nhàng.
Ngủ đủ giấc. Thời gian ngủ cần thiết khác nhau ở mỗi người, nhưng hầu hết mọi người cần khoảng 8 giờ mỗi đêm. Thanh thiếu niên có thể phải cần thêm vài giờ nữa.
Bước 7: Tránh các loại thực phẩm có thể gây nổi mụn
Các thực phẩm gây ra mụn nhọt sẽ khác nhau ở mỗi người, tuy nhiên bạn có thể tránh các thực phẩm gây ra vấn đề mụn phổ biến như là các sản phẩm từ sữa, đường và thực phẩm giàu carbohydrate.
Trái ngược với các suy nghĩ chung, các nghiên cứu không chỉ ra được bất kì mối liên hệ nào giữa các thực phẩm giàu chất béo và mụn nhọt. Để an toàn, bạn có thể tránh sử dụng sô cô la. Bằng chứng chưa rõ ràng, nhưng hầu hết các sản phẩm sô cô la cũng chứa nhiều đường, có thể gây nổi mụn.
Bước 8: Đến bác sĩ nếu việc điều trị chăm sóc tại nhà không hiệu quả
Thuốc điều trị kê đơn mạnh hơn và sẽ tạo được kết quả tốt hơn. Có thể mất một đến hai tháng sử dụng trước khi thực sự nhận thấy các cải thiện rõ rệt trên da. Bác sĩ có thể kê các đơn thuốc điều trị:
Chấm mụn bằng retinoids (Avita, Retin-A, Differin, và những loại khác) để giảm sự hình thành nhân mụn trong lỗ chân lông của bạn hoặc dùng thuốc kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng da. Nếu da bị mụn trứng cá rất nặng, bác sĩ có thể đề nghị dùng isotretinoin (Accutane). Thực hiện theo các khuyến nghị của bác sĩ và hướng dẫn của nhà sản xuất khi sử dụng các loại thuốc này.
Dùng thuốc kháng sinh đường uống để tiêu diệt vi khuẩn, giảm viêm nhiễm, giúp mau lành vết thương mụn. Thuốc tránh thai đường uống (Ortho Tri-Cyclen, Estrostep, Yaz) có chứa estrogen và progestin có thể được kê đơn cho phụ nữ và các cô gái. Điều này thường dành để điều trị mụn trứng cá nặng.
Bác sĩ cũng có thể đề nghị các phương pháp điều trị khác như tiêm thuốc vào mụn, lấy nhân mụn (extractions), thay da sinh học hay peel da hóa học (chemical peels), mài da vi điểm (microdermabrasion), hoặc liệu pháp ánh sáng (light) hoặc laser để giúp điều trị và ngăn ngừa mụn.
Tác giả: Laura Marusinec. Biên dịch: Huyền Trân.
Nguồn: Wikihow. Bản quyền thuộc về: Kallos Vietnam.
Đôi nét về tác giả Laura Marusinec, MD
Bài viết này được đồng tác giả bởi Laura Marusinec, MD. Dr, Marusinec là bác sĩ nhi khoa được được cấp phép và làm việc tại Bệnh viện nhi Wisconsin, và là thành viên của Clinical Practice Council. Cô nhận bằng Thạc sĩ Y khoa của Đại học Y Wisconsin vào năm 1995 và hoàn thành nội trú khoa nhi tại Đại học Y Wisconsin vào năm 1998. Cô là thành viên của Hiệp hội American Medical Writers Association và Hiệp hội Society for Pediatric Urgent Care.
Leave a comment
Please note, comments must be approved before they are published