3 cách cạo râu không nổi mụn đúng cách
Cạo râu có thể gây kích ứng và thậm chí có thể dẫn đến bùng phát mụn trứng cá trên da. Tuy nhiên, đôi khi nổi mụn sau khi cạo râu cũng có thể là do bạn đang gặp các vấn đề về viêm nang lông, đây là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn tích tụ trong lỗ chân lông gây ra. Bên cạnh đó, nổi mụn sau khi cạo râu cũng có thể là do lông mọc ngược. Nếu bạn nghĩ cạo râu là nguyên nhân chính gây ra mụn trứng cá hoặc các dạng sưng viêm khác trên da, bạn có thể áp dụng một số biện pháp dưới đây để ngăn ngừa. Nếu vấn đề mụn trứng cá vẫn tiếp tục ngay cả khi đã thử nhiều biện pháp khác nhau, hãy đến bác sĩ da liễu để có các lựa chọn điều trị mụn phù hợp.
Trình tự 1: Sử dụng các cách thức cạo râu an toàn
Bước 1: Đắp khăn ấm trước khi cạo râu
Sử dụng một chiếc khăn ẩm ấm đắp trên mặt và cổ trước khi bắt đầu cạo râu có thể giúp ngăn ngừa mụn trứng cá. Khăn ẩm ấm có thể giúp dưỡng ẩm da, đồng thời cũng có thể làm mở lỗ chân lông. Để đắp khăn ấm, hãy dùng khăn mặt sạch hoặc khăn tay làm ướt dưới vòi nước ấm nóng cho đến khi nước thấm đều trên khăn.
Sau đó, vắt hết nước thừa và đắp khăn lên mặt và cổ. Nếu muốn, bạn cũng có thể nhỏ một giọt tinh dầu tùy thích vào khăn để tạo thêm mùi thơm dễ chịu thư giãn khi thực hiện. Giữ khăn trên mặt trong ba đến bốn phút.
Bước 2: Chọn một loại kem cạo râu dịu nhẹ
Hãy tìm một sản phẩm dành cho da nhạy cảm và có tác dụng bôi trơn da mặt khi cạo râu. Các sản phẩm được dán nhãn "sensitive skin (dành cho da nhạy cảm)" hoặc được khẳng định là "non-irritating (không gây kích ứng)" là những lựa chọn tốt.
Nếu bạn đang mắc phải các vấn đề về mụn trứng cá một cách thường xuyên, hãy nên cân nhắc hỏi bác sĩ về các loại kem cạo râu được kê đơn có chứa benzoyl peroxide hoặc thuốc kháng sinh mà bạn có thể dùng bôi lên da.
Bước 3: Xoa nhẹ kem cạo râu lên da
Dành thời gian để xoa nhẹ đều kem cạo râu lên da sẽ giúp đảm bảo da và râu của bạn được giữ ẩm tốt trong quá trình cạo. Thao tác theo các chuyển động tròn để xoa kem đều vào các vùng da mặt và cổ mà bạn sẽ tiến hành cạo râu. Để kem cạo râu lưu lại trên da khoảng 5 đến 10 phút. Điều này sẽ làm da và lông râu được mềm mịn hơn giúp quá trình cạo râu được diễn ra dễ dàng hơn.
Bước 4: Thực hiện các động tác vuốt xuống nhẹ nhàng trong khi cạo râu
Cạo xuống theo chiều mọc của các sợi lông râu tự nhiên thay vì cạo ngược lại. Việc cạo theo chiều mọc của râu sẽ giúp giảm kích ứng và ít xuất hiện mụn trứng cá hơn, đồng thời không làm kéo căng da khi cạo. Sử dụng dao cạo râu một lưỡi, sắc bén mới cho mỗi lần cạo.
Sử dụng dao cạo râu mới mỗi khi cạo râu sẽ làm giảm khả năng làm tổn thương hoặc kích ứng da. Rửa sạch dao cạo sau mỗi lần cạo râu để giữ cho lưỡi dao không dính kem cạo râu và lông râu có thể gây trở ngạy cho việc cạo sát.
Bước 5: Dùng máy cạo râu nhẹ nhàng ấn nhẹ để cạo
Bạn có thể điều chỉnh mức độ cạo thích hợp trên máy cạo râu, điều này có thể giúp ngăn ngừa lông mọc ngược. Nếu bạn sử dụng máy cạo râu, hãy đảm bảo máy cạo râu không được đặt ở chế độ cạo sát vào da nhất và không ấn quá mạnh vào da khi cạo.
Bước 6: Cân nhắc sử dụng kem tẩy lông thay vì bọt cạo râu
Kem tẩy lông có thể giúp làm giảm tình trạng lông mọc ngược, vì vậy bạn cũng có thể coi đây là một biện pháp thay thế cho việc cạo râu. Đảm bảo thử sản phẩm trên một vùng da nhỏ trước khi sử dụng trên một vùng da rộng để tránh các kích ứng có thể có.
Bước 7: Dưỡng ẩm da mặt sau khi cạo râu
Sau khi cạo xong và rửa sạch kem cạo râu, hãy thoa kem dưỡng ẩm nhẹ nhàng. Không sử dụng các dung dịch dưỡng sau cạo râu (aftershave) hoặc bất kỳ sản phẩm nào khác có chứa cồn vì các sản phẩm này hoàn toàn có thể gây kích ứng da. Thử dùng gel lô hội hoặc dầu em bé sau khi cạo râu để dưỡng ẩm cho da.
Trình tự 2: Thực hiện rửa mặt đúng cách
Bước 1: Rửa mặt hai lần mỗi ngày
Rửa mặt hai lần mỗi ngày và bất cứ khi nào ra mồ hôi hoặc bám bẩn cũng có thể giúp ngăn ngừa mụn trứng cá. Sử dụng các sản phẩm rửa mặt nhẹ nhàng cho da và sau đó thoa kem dưỡng ẩm sau khi da đã được làm sạch.
Chọn các sản phẩm không chứa các thành phần gây bít tắc lỗ chân lông cho da (non-comedogenic). Các sản phẩm được dán nhãn là “non-comedogenic” sẽ không làm tắc nghẽn lỗ chân lông của bạn, vì vậy chúng ít có khả năng gây mụn trứng cá hơn.
Tránh xa các sản phẩm có chứa cồn (alcohol). Cồn có thể gây kích ứng da, khiến tình trạng mụn trứng cá trở nên tồi tệ hơn. Tìm các loại sữa rửa mặt có chứa axit salicylic. Sữa rửa mặt có chứa axit salicylic có thể giúp ngăn ngừa mụn trứng cá, nhưng phải đảm bảo sử dụng các sản phẩm này thường xuyên để thấy được sự cải thiện mụn trên da.
Bước 2: Dùng đầu ngón tay sạch xoa sữa rửa mặt trên da
Khi rửa mặt, luôn dùng các đầu ngón tay sạch để xoa bọt sữa rửa mặt lên da ướt. Không sử dụng khăn rửa mặt, bông bọt biển rửa mặt hoặc bất kỳ dụng cụ rửa mặt cọ xát mạnh trên da nào khác. Những dụng cụ này có thể gây kích ứng nổi mụn và cũng có thể khiến tình trạng mụn trứng cá trở nên trầm trọng hơn. Cũng cần tránh chà xát mạnh vì có thể để lại sẹo trên da.
Bước 3: Rửa sạch mặt bằng nước ấm
Khi bạn rửa mặt, hãy đảm bảo rằng bạn rửa nhẹ nhàng bằng nước ấm. Không sử dụng nước nóng hoặc nước lạnh vì điều này có thể gây kích ứng da. Thay vào đó, hãy dùng nước ấm để nhẹ nhàng rửa sạch bụi bẩn và các tế bào chết bám trên da.
Bước 4: Thấm khô bằng khăn sạch
Sau khi làm sạch da, hãy dùng khăn bông sạch thấm nhẹ để làm khô da. Không chà xát da mặt vì điều này có thể gây kích ứng da và khiến tình trạng mụn trở nên tồi tệ hơn.
Trình tự 3: Tìm sự hỗ trợ để điều trị mụn
Bước 1: Thử chấm mụn bằng các loại kem bôi retinoids
Kem retinoid là một loại thuốc bôi có thể giúp loại bỏ tế bào da chết và làm thông thoáng lỗ chân lông để ngăn ngừa mụn trứng cá bùng phát trong tương lai. Đây là một trong những phương pháp điều trị mụn trứng cá phổ biến nhất, nhưng các loại thuốc này chỉ được kê theo đơn. Hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn muốn thử điều trị bằng một loại kem bôi retinoid.
Bước 2: Hỏi về thuốc kháng sinh
Đôi khi có thể cần dùng thuốc kháng sinh để chống nhiễm trùng da do mụn trứng cá. Nếu bạn bị mụn trứng cá từ trung bình đến nặng, bác sĩ có thể kê một loại thuốc kháng sinh đường bôi.
Thuốc kháng sinh dạng kem bôi sẽ giúp chống lại bất kỳ tình trạng viêm nhiễm nào do mụn trứng cá gây ra. Đảm bảo sử dụng thuốc kháng sinh dạng kem bôi đúng theo chỉ dẫn và không ngừng sử dụng cho đến khi bác sĩ yêu cầu.
Bước 3: Hỏi ý kiến bác sĩ về việc điều trị bằng corticosteroid
Corticosteroid dạng kem bôi và thuốc tiêm cũng có thể giúp cải thiện và ngăn chặn sự xuất hiện của mụn trứng cá. Bác sĩ có thể cho bạn dùng kem corticosteroid để bôi hoặc tiêm corticosteroid vào da để cải thiện tình trạng mụn trên da của bạn.
Bước 4: Xem xét điều trị bằng isotretinoin
Nếu không có bất kì phương pháp điều trị nào ở trên cải thiện được tình trạng mụn trứng cá của bạn, bác sĩ có thể sẽ kê một đơn thuốc retinoid đường uống có tên là isotretinoin.
Thuốc này rất hiệu quả, nhưng có một số tác dụng phụ nghiêm trọng, vì vậy chỉ được lựa chọn sử dụng như một biện pháp cuối cùng. Các tác dụng phụ thường gặp của isotretinoin bao gồm phát ban, trầm cảm, chảy máu cam và đau xương khớp.
Bước 5: Hãy nhớ rằng việc điều trị cần có thời gian
Có thể mất vài tuần hoặc thậm chí vài tháng trước khi bạn nhận thấy được sự cải thiện về tình trạng mụn trứng cá trên da của mình. Tình trạng mụn trứng cá thậm chí có thể trở nên trầm trọng hơn trong lúc đầu điều trị, nhưng sau đó sẽ bắt đầu cải thiện lại. Hãy cố gắng kiên nhẫn vì bạn đang thực hiện việc điều trị để ngăn ngừa mụn trứng cá và cải thiện tình trạng của da.
Tác giả: Shari Forschen. Biên dịch: Huyền Trân.
Nguồn: Wikihow. Bản quyền thuộc về: Kallos Vietnam.
Đôi nét về tác giả Shari Forschen, NP, MA
Bài viết này đã được Shari Forschen, NP, MA viết dựa trên các cơ sở về mặt y tế. Shari Forschen là y tá đã được cấp phép làm việc tại Sanford Health ở North Dakota. Cô nhận bằng Thạc sĩ điều dưỡng gia đình từ Đại học North Dakota và bắt đầu làm y tá từ năm 2003.
Share your experience
All tip submissions are carefully reviewed before being published.