4 cách trị nổi mụn ở nách tại nhà
Mụn nhọt và mụn trứng cá luôn gây khó chịu, đặc biệt trở nên đau hơn nếu xảy ra ở vùng da nách. Ma sát từ quần áo và da làm cho mụn ở nách càng trở nên khó chịu và đặc biệt nhạy cảm. Nổi mụn vùng nách có thể chỉ là một trường hợp đơn giản của mụn trứng cá hoặc sợi lông mọc ngược ngẫu nhiên hoặc có thể là một tình trạng viêm khác được gọi là viêm tuyến mồ hôi mủ - Hidradenitis suppurativa (HS), gây ra những kích ứng giống như mụn ở cánh tay, bẹn, mông và ngực của bạn.
Điều này nghe có vẻ đáng sợ, nhưng đừng lo lắng! Bạn có thể xử lý các trường hợp từ mụn nhỏ đến viêm nghiêm trọng ở nách bằng một số thay đổi về vệ sinh và lối sống. Cho dù mụn ở nách là do trường hợp nổi mụn thông thường hay do HS, những mẹo dưới đây có thể giúp bạn loại bỏ chúng hoàn toàn.
Trình tự 1: Thực hiện tốt việc chăm sóc vùng da nách
Bước 1: Rửa sạch nách bằng xà phòng dịu nhẹ
Thực hiện vệ sinh tốt cho da có thể giúp loại bỏ các nốt mụn hiện có và ngăn ngừa tình trạng nổi mụn trong tương lai. Rửa sạch vùng da nách bằng xà phòng hoặc sữa rửa mặt dịu nhẹ khi tắm để giữ cho vùng da này luôn sạch sẽ và ngăn chặn vi khuẩn gây mụn.
Không cọ rửa mạnh hoặc chà xát mạnh vào nách. Điều này có thể gây kích ứng mụn và khiến chúng trở nên tồi tệ hơn. Sữa rửa mặt không chứa xà phòng như Cetaphil có thể dịu nhẹ hơn trên da của bạn, vì vậy hãy thử chuyển sang sản phẩm tương tự như này nếu xà phòng thông thường gây kích ứng cho bạn.
Bước 2: Thử rửa với chất khử trùng để làm sạch da nếu xà phòng thông thường không có tác dụng
Nếu nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra mụn, thì một chất tẩy rửa mạnh hơn có thể hoạt động tốt hơn. Hãy thử sử dụng chất khử trùng như Chlorhexidine 4% hàng ngày để xem liệu cách này có giúp ngăn ngừa nổi mụn nhiều hơn hay không. Thuốc sát trùng như Chlorhexidine có thể hơi khó chịu trên da nếu bạn chưa quen với chúng.
Bắt đầu sử dụng một lần một tuần khi mới bắt đầu để đảm bảo không gây kích ứng cho da, sau đó từ từ chuyển sang dùng thường xuyên hơn. Hãy thử tự điều chỉnh theo cách của bạn để có thể sử dụng trên da mỗi ngày. Nếu bạn cần lời khuyên về một loại sản phẩm tẩy rửa có tính sát khuẩn tốt, hãy hỏi ý kiến bác sĩ da liễu để có những lựa chọn tốt nhất.
Bước 3: Tránh xà phòng và sản phẩm khử mùi có mùi thơm
Hương liệu và nước hoa có thể gây kích ứng da và có thể gây ra tình trạng mụn. Tốt nhất nên sử dụng xà phòng và sản phẩm khử mùi không chứa hương liệu, đồng thời tránh để nước hoa tiếp xúc với vùng da nách. Để có thể giúp ngăn ngừa các kích ứng xảy ra nhiều hơn.
Đảm bảo rằng tất cả các sản phẩm bạn sử dụng đều được dán nhãn "Fragrance-Free (không chứa hương liệu)”. Để có thể lựa chọn các sản phẩm sử dụng ít gây dị ứng hơn cho vùng da đang nhạy cảm của bạn. Những sản phẩm này sẽ ít gây khó chịu trên da nhất.
Bước 4: Không sử dụng miếng bọt biển hoặc xơ mướp cho vùng da nách
Bạn có thể muốn dùng các vật dụng cọ rửa để tẩy rửa da sạch nhất có thể, nhưng đây là một sai lầm! Chà xát mạnh vào vùng da này có thể khiến tình trạng mụn trở nên trầm trọng hơn hoặc làm tắc nghẽn lỗ chân lông và gây ra nhiều mụn hơn.
Chỉ cần dùng tay và một ít xà phòng dịu nhẹ để rửa vùng nách. Điều này sẽ giúp vùng da nách của luôn sạch sẽ và tránh các tổn thương không cần thiết trên da. Một vấn đề khác đối với các loại xơ mướp và khăn lau là chúng có xu hướng dễ bám vi khuẩn, điều này có thể gây ra nhiều mụn hơn.
Bước 5: Bôi phấn rôm vào nách sau khi tắm
Giữ nách của bạn khô ráo cũng có thể giúp ngăn ngừa mụn. Khi bạn tắm xong, hãy bôi một ít phấn rôm cho dưới cánh tay để thấm hết lượng ẩm dư thừa và giữ cho vùng da khô thoáng suốt cả ngày. Bạn có thể sử dụng phấn bột thông thường hoặc một loại thuốc như kẽm oxit.
Bước 6: Mặc quần áo rộng rãi để tránh ma sát lên vùng da nách
Quần áo chật có thể giữ mồ hôi và bụi bẩn trên da, đồng thời ma sát tăng lên có thể khiến mụn nổi nhiều hơn. Hãy thử mặc những chiếc áo rộng rãi không cọ sát vào da nách để xem điều này có hữu ích hơn không. Nếu bạn thường xuyên nổi mụn ở những vị trí khác như lưng hoặc bẹn, thì việc mặc quần áo rộng rãi, không gây chà xát lên những nốt mụn cũng có thể hữu ích.
Bước 7: Ngừng cạo lông nách nếu bạn bị mụn
Nếu bạn cạo lông nách, có thể sẽ gây ra mụn nhiều hơn hoặc khiến chúng trở nên tồi tệ hơn. Nếu bạn bị mụn, hãy ngừng cạo lông nách cho đến khi sạch mụn. Điều này sẽ ngăn ngừa các kích ứng và lông mọc ngược ở vùng da nách.
Nếu bạn muốn triệt lông nách, hãy hỏi ý kiến của bác sĩ da liễu về việc triệt lông vĩnh viễn hoặc lâu dài. Tránh cạo lông nách trực tiếp lên các nốt mụn bằng dao cạo sắc và sử dụng kem cạo thích hợp.
Trình tự 2: Giảm các cơn đau và khó chịu
Bước 1: Đắp một miếng gạc ấm lên nốt mụn
Lấy một chiếc khăn sạch và ngâm vào nước nóng. Vắt bớt nước và đảm bảo khăn đủ mát để ấn vào da mà không làm bỏng rát da. Sau đó, đắp lên các nốt mụn ở nách và giữ trong 10 phút để giảm đau. Đảm bảo rằng khăn bạn sử dụng phải sạch. Khăn bẩn có thể lây lan vi khuẩn và gây ra nhiều mụn hơn. Luôn kiểm tra khăn để đảm bảo rằng khăn đủ mát trước tiên để da không bị bỏng.
Bước 2: Thử dùng túi trà để giảm đau
Điều này nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng đây là một phương pháp điều trị tại nhà hiệu quả để làm giảm cơn đau do mụn gây ra. Đun sôi một ít nước, sau đó ngâm một túi trà bình thường trong nước trong 1 phút. Sau đó, lấy túi trà và ấn giữ lên vùng da mụn trong 10 phút. Luôn đảm bảo túi trà đủ nguội trước khi đắp lên da. Nếu không bạn có thể bị bỏng. Bất kỳ loại trà nào cũng có tác dụng với phương pháp này, vì vậy đừng cố tìm loại đặc biệt.
Bước 3: Uống thuốc giảm đau nếu bạn cảm thấy rất khó chịu
Nổi mụn ở nách có thể gây đau đớn và các phương pháp điều trị tại nhà có thể không phù hợp với bạn. Điều này không sao cả vì bạn có thể làm giảm các cơn đau bằng một số loại thuốc giảm đau không kê đơn.
Sử dụng các loại thuốc giảm đau theo hướng dẫn của sản phẩm để không sử dụng quá nhiều. Hầu hết mọi người đều có thể dùng thuốc giảm đau không kê đơn, nhưng nếu bạn vẫn cảm thấy đau nhiều, hãy đến bác sĩ da liễu để có thể kê đơn thuốc khác mạnh hơn.
Trình tự 3: Dùng thuốc đặc trị
Bước 1: Rửa sạch vùng da nách bằng xà phòng trị mụn
Xà phòng trị mụn không chỉ dành cho da mặt. Xà phòng trị mụn chuyên dụng được thiết kế để làm sạch mụn và ngăn ngừa mụn mới. Khi bạn đến gặp bác sĩ da liễu, họ có thể khuyên bạn nên sử dụng xà phòng trị mụn ở nách. Thay xà phòng thông thường bằng xà phòng trị mụn để xem liệu nó có giúp làm sạch mụn của bạn hay không. Một số loại xà phòng trị mụn có bán tại quầy, và một số loại cần được kê đơn. Sử dụng loại mà bác sĩ da liễu của bạn khuyên dùng.
Bước 2: Ngăn nhiễm trùng bằng các loại kem bôi kháng khuẩn
Đây là phương pháp điều trị phổ biến đối với mụn trứng cá và HS, và các sản phẩm này có thể được bác sĩ da liễu kê đơn để điều trị mụn cho bạn. Kem bôi kháng khuẩn có thể làm giảm viêm và loại bỏ các vi khuẩn có thể gây ra tình trạng mụn nhiều hơn.
Sử dụng các loại kem này theo hướng dẫn của bác sĩ da liễu để giúp da được phục hồi tốt. Loại kháng khuẩn để chấm mụn thường dùng là Clindamycin và Gentamicin. Bác sĩ da liễu của bạn có thể kê đơn một trong những loại này hoặc một loại khác.
Đối với những trường hợp nghiêm trọng hơn, bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc kháng sinh đường uống để chống nhiễm trùng. Kiểm tra với bác sĩ để đảm bảo không có bệnh tiềm ẩn hiếm gặp nào gây ra mụn (như viêm tuyến mồ hôi mủ - Hidradenitis suppurativa).
Bước 3: Dùng thuốc steroid để kiểm soát tình trạng viêm
Đối với những trường hợp bị viêm tuyến mồ hôi mủ (HS) nghiêm trọng hơn, bác sĩ da liễu có thể thử dùng Retinoids hoặc Corticosteroid. Những loại thuốc này làm giảm sưng và viêm, đồng thời cũng giúp điều trị mụn hiệu quả.
Thuốc steroid thường được dùng bằng đường uống, nhưng bác sĩ da liễu cũng có thể kê các loại dùng bôi ngoài da. Bạn sẽ bôi chất này vào vùng da nách tương tự như các loại kem bôi khác. Cũng có những loại dùng để tiêm dành cho các tình trạng viêm rất nặng.
Bước 4: Khắc phục các tổn thương trên da do viêm tuyến mồ hôi mủ (HS) bằng các thủ thuật tiểu phẫu
Trong một số trường hợp hiếm hoi, viêm tuyến mồ hôi mủ (HS) gây viêm nhiễm nghiêm trọng có thể gây ra sẹo hoặc lỗ trên da. Điều này nghe có vẻ tệ, nhưng vấn đề có thể khắc phục được. Nếu da bị tổn thương do mụn tái phát nhiều lần, hãy hỏi ý kiến bác sĩ da liễu. Các bác sĩ da liễu sẽ tư vấn một trong các phương pháp điều trị phù hợp để giúp phục hồi làn da của bạn.
Loại bỏ tổn thương sâu (Unroofing) là một quy trình loại bỏ các mô sẹo trên bề mặt da để giúp lộ ra những tổn thương bên dưới da và giúp chúng lành lại. Nó có thể giúp ích cho các trường hợp viêm tuyến mồ hôi mủ (HS) từ trung bình đến nặng. Tuy nhiên, phương pháp này bị hạn chế đối với các mụt u hoặc u nang lông đơn lẻ.
Đối với các u nang lông hoặc mụt u phát triển đơn lẻ có thể được phẫu thuật để loại bỏ bằng một biện pháp đơn giản. Liệu pháp laser có thể giúp làm sạch các khối u hoặc các tổn thương đơn lẻ từ viêm tuyến mồ hôi mủ (HS). Đối với những trường hợp rất nặng, bác sĩ da liễu có thể phải phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ vùng da bị viêm nhiễm và tiến hành ghép da để chữa lành vùng da đó.
Trình tự 4: Giảm kích ứng với lối sống tốt
Bước 1: Giảm cân để ngăn ngừa mụn
Thừa cân có thể gây ra nhiều loại mụn trứng cá khác nhau, và nó đặc biệt làm tăng nguy cơ bị viêm tuyến mồ hôi mủ (HS). Nếu bạn đang thừa cân, thì hãy bắt đầu theo một chế độ ăn kiêng và tập thể dục để giảm xuống mức cân nặng hợp lý. Những người bị viêm tuyến mồ hôi mủ (HS) thường ít bị nổi mụn hơn sau khi họ giảm cân.
Nếu bạn bắt đầu thói quen tập thể dục, hãy nhớ tắm càng sớm càng tốt sau khi bạn tập xong! Mồ hôi tích tụ có thể gây kích ứng và nổi mụn. Nếu bạn không chắc trọng lượng cơ thể phù hợp với mình là bao nhiêu, hãy hỏi bác sĩ để có được kế hoạch giảm cân phù hợp.
Bước 2: Không hút thuốc lá hoặc bỏ thuốc lá ngay bây giờ
Hút thuốc là một trong các nguyên nhân chính khiến bạn bị tình trạng viêm tuyến mồ hôi mủ (HS), và nó có thể làm cho các triệu chứng trên da tồi tệ hơn nhiều. Nếu bạn đang hút thuốc, hãy bỏ ngay bây giờ càng sớm càng tốt là sự lựa chọn tốt nhất.
Nếu bạn không hút thuốc, hãy duy trì thói quen tốt này trong tương lai. Bên cạnh mụn trứng cá và viêm tuyến mồ hôi mủ (HS), hút thuốc có liên quan đến tất cả các loại nguy cơ sức khỏe khác. Hãy bảo vệ sức khỏe của mình bằng cách bỏ thuốc lá.
Bước 3: Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh
Chế độ ăn uống hằng ngày cũng có thể gây ra mụn trứng cá hoặc kích ứng do viêm tuyến mồ hôi mủ (HS). Một lượng lớn sữa, thịt đỏ và thực phẩm có đường có chỉ số đường huyết (GI) cao có thể khiến bạn có nguy cơ nổi mụn cao hơn, vì vậy hãy cố gắng hạn chế những thực phẩm này trong chế độ ăn uống của bạn. Một chế độ ăn với thực phẩm có GI thấp và ít sữa cũng có thể giúp ngăn ngừa mụn ở những vùng da khác. Tuy nhiên, chăm sóc da tốt luôn là cách điều trị tốt nhất.
Bước 4: Giảm căng thẳng để ngăn ngừa mụn bùng phát
Căng thẳng cũng có liên quan đến việc nổi mụn và có thể làm cho tình trạng viêm tuyến mồ hôi mủ (HS) trở nên tồi tệ hơn. Nếu bạn thường xuyên cảm thấy căng thẳng, thì việc thực hiện một số biện pháp để giảm bớt nó có thể giúp ích rất nhiều.
Các bài tập thư giãn như thiền, yoga hoặc hít thở sâu có thể giải phóng căng thẳng và lo lắng. Dành thời gian mỗi ngày để thực hiện một trong những hoạt động này. Làm những điều bạn thích cũng là một cách tuyệt vời để giảm căng thẳng, vì vậy hãy nhớ dành thời gian cho những sở thích cá nhân của bạn.
Tác giả: Navid Malakouti. Biên dịch: Huyền Trân.
Nguồn: Wikihow. Bản quyền thuộc về: Kallos Vietnam.
Đôi nét về tác giả Navid Malakouti, MD, FAAD
Bài viết này được đồng tác giả bởi Navid Malakouti, MD, FAAD. Dr. Navid Malakouti là bác sĩ da liễu được cấp phép chuyên về thẩm mỹ da, phẫu thuật da và thuốc điều trị da. Ông điều trị cho bệnh nhân ở mọi lứa tuổi về các tình trạng như mụn trứng cá, bệnh trứng cá đỏ, bệnh vẩy nến, ung thư da, botox, chất làm đầy, laser và peel da bằng hóa chất.
Dr. Malakouti là bác sĩ da liễu được chứng nhận bởi American Board of Dermatology, và là hội đồng thành viên của American Academy of Dermatology, American Society for Dermatologic Surgery, và American Society for Laser Medicine and Surgery, và là một thành viên của Skin of Color Society.
Ông có bằng cử nhân Biochemistry và Cell Biology của Đại học California, San Diego và bằng Tiến sĩ Y khoa từ trường đại học Virginia Commonwealth University School of Medicine. Ông đã làm viêc tại Đại học Howard ở Washington D.C., VA Medical Center, Children's National Hospital, và the National Institutes of Health.
Leave a comment
Please note, comments must be approved before they are published